“Một ông chủ quán ăn trong vùng đã trả 50 triệu đồng nhưng em chưa bán. Em đòi 200 triệu đồng cơ” – Tráng bảo.
Hua Tạt là bản Mông nhỏ xinh, thuộc xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La), nằm ngay cạnh quốc lộ 6. Bản chỉ có vài chục nóc nhà, chìm nghỉm trong những vườn mận, vườn đào.
Mùa hè, dưới xuôi nóng nực, thì Hua Tạt mát lạnh như Sapa. Đêm dưới gầm nhà sàn homestay của Tráng A Chu điện sáng leo lét trong khung cảnh mờ sương, cậu chủ người Mông mang lên nậm rượu ngô thơm nồng và mẹt thịt gà nướng vàng ruộm.
Lần nào lên Sơn La công tác, hay chỉ đi qua Vân Hồ, tôi và nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn đều ghé qua ở lại, được ngủ nhà sàn một đêm, trò chuyện nhiều sự lạ với Tráng A Chu “con ma núi” chuyện gì cũng rành rẽ.
Nâng chén rượu, Tráng A Chu đưa tôi cái chân gà và đố tôi xem có chuyện gì lạ. Vốn là một trong số những nhà báo đầu tiên tận mắt, và thưởng thức loại gà nhiều cựa ở Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), nên tôi chẳng lạ gì, loại gà thường gọi là “gà 9 cựa” này.
Gà 9 cựa là câu chuyện trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Thực ra, gọi là gà nhiều cựa, hoặc gà ngón treo thì hợp lý hơn, bởi chẳng thấy có con nào 9 cựa cả. Chủ yếu chúng có 6 cựa và 8 cựa nếu đếm cả hai chân, tức là mỗi chân có 3 hoặc hiếm hơn là 4 cựa. Mà thực ra, nhìn cái cựa giống cái ngón chân teo hơn.
Sau này, đi công tác nhiều nơi, chui rúc nhiều xó, thì mới biết không chỉ bản Dao trong lõi vườn quốc gia Xuân Sơn có gà 9 cựa, mà nhiều nơi có. Những vùng sâu vùng xa, vùng heo hút, người dân vẫn chăn nuôi, bảo tồn giống gà này. Tôi được ăn thịt loài gà này nhiều, thịt rất ngon, nên cũng không có gì lạ lẫm.
Tráng A Chu bảo: “Em biết các anh ăn thịt gà 9 cựa nhiều rồi, nhưng con gà này thú vị hơn chuyện gà 9 cựa nhiều. Là bởi vì, nó là chú gà con cuối cùng của con gà mẹ 9 cựa đang biến đổi giới tính. Tức là, mẹ của con gà anh em mình đang ăn, đang biến thành gà đực”.
Chuyện một con gà mái, đang đẻ sòn sòn, bỗng dưng biến thành gà đực, quả thực là khó tin. Nhưng, phải công nhận, dù đã ăn đủ các loại gà, nhưng chúng tôi chưa từng thấy loại gà nào ngon như vậy, thịt ngọt lừ và rất thơm, không như gà thông thường. Cái chân màu đen, với lớp da dày, giòn sần sật.
Sớm tinh sương, khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, màn sương tan dần, lộ ra con đường nhỏ quanh co nơi vườn đào, vườn mận, Tráng A Chu dẫn tôi ngược núi, về phía cuối bản, nơi sườn dãy núi bao quanh ôm trọn bản Hua Tạt.
Nhà Tráng A Tráng nằm bên sườn dốc, lưng dựa núi, mặt hướng thung lũng trữ tình.
Tráng A Tráng mới 23 tuổi, đã có 3 con, ngồi trước hiên nhà, ném từng nắm ngô cho hai con gà đang ăn trước nhà. Một con gà trống lông đen, và một chú gà có màu sắc sặc sỡ và nhìn qua là thấy sự quái dị.
Tôi hỏi: “Đây là con gà đang biến đổi giới tính hả?”. Tráng A Tráng bảo: “Đúng rồi đấy anh. Nó vốn là gà mái, giờ đang dần biến đổi thành gà đực”.
Theo lời Tráng A Tráng, thì hôm qua, nhà cậu chỉ còn duy nhất 3 con gà, gồm một con gà trống, một con gà trưởng thành, và một con gà nửa đực nửa cái. Tráng A Chu đã sang nhà Tráng, nài nỉ mua con gà trưởng thành về đãi khách. Lúc đó, Tráng A Tráng mới biết, khách quý mà Chu đãi, là chúng tôi.
Tráng A Tráng bảo: “Em nuôi con gà đực – cái này lâu năm rồi, nó đẻ khỏe, con nó lớn nhanh, ăn khỏe, thịt ngon, nên bao năm nay em không bán nó, không làm thịt nó, mà cứ nuôi nó đẻ. Cặp gà đực cái này cứ sinh đẻ sòn sòn, nhà em ăn thoải mái không hết, còn đem bán cho bà con quanh bản”.
Theo lời Tráng A Tráng, hơn 4 năm trước, bố vợ Tráng tặng cho vợ chồng cậu con gà này, cùng một chú gà đực. Bố Tráng là thầy cúng, sống ở bản Tà Số, là bản người Mông, thuộc xã Chiềng Hặc (Mộc Châu), cách Hua Tạt 60 cây số. Khi đó, con gà mái mới trưởng thành, nặng độ 1kg. Ông bảo, xem tướng con gà này, là giống rất quý, hiếm, nó sẽ sống dai, đẻ khỏe và nuôi nó thì nó sẽ mang lại giàu có, sung túc cho gia đình. Ông còn dặn, phải nuôi nó cẩn thận, không được làm thịt.
Nghe lời bố vợ, Tráng A Tráng chăm sóc con gà nhiều cựa này rất tận tình, cho ăn no đủ. Sáng thức dậy, Tráng đều ngó lên cây mận già trái nhà, xem con gà thức giấc chưa. Chiều, Tráng cũng ngó lên cây, thấy nó ngủ gật gù trên cành cây, mới an tâm đi ngủ.
“Em nuôi gà nhiều năm, nhưng chưa từng thấy con gà nào đẻ khỏe như vậy. Mỗi lứa nó đẻ tới 40, thậm chí 50 quả trứng. Đẻ cả ổ trứng đầy ngập, rồi nó ấp. Nó ấp con say sưa lắm, có khi 2 ngày không ra khỏi ổ. Nhiều khi, thương nó quá, em phải mang nước, mang ngô, cơm đến tận miệng ổ cho nó ăn. Đói lắm thì nó nhảy ra ăn mấy miếng, rồi lại chui vào ổ ấp. Đặc biệt, rất hiếm có quả trứng bị ung, bị hỏng, cứ đẻ, cứ ấp là có gà con. Chỉ có mỗi mình nó, mà đẻ ra hết đàn gà này, đến đàn gà khác, gà con, gà to chạy đầy nhà, đầy vườn, nhà em ăn còn không xuể. Thịt gà thì ngon lắm. Nhiều người trong bản cứ nài nỉ mua về ăn đãi khách quý” – Tráng A Tráng kể.
Tiếng năm con gà 9 cựa quý hiếm đẻ khỏe, cho giống gà 9 cựa ngon vang xa khắp huyện, nhiều người tìm đến hỏi mua, nhưng Tráng A Tráng nhớ lời bố vợ dặn nhất định không bán. Có người, trả con gà mái giá 10 triệu, Tráng cũng suy nghĩ, nên gọi điện cho bố vợ. Bố vợ bảo không nên tham tiền bán nó mà mất lộc, nên Tráng lại thôi.
Điều thú vị và kinh ngạc, là từ đầu năm 2019, con gà mái này không đẻ nữa. Những đàn gà con của nó đã ăn thịt hết rồi, mà nó không chịu đẻ, khiến Tráng thấy lạ. Con gà đực lông đen, sống gắn bó với nó 4 năm qua, cũng không chịu “nhảy” con gà mái gì cả. Đặc biệt, nó cũng nhát người hơn. Trước đây, Tráng cứ ném ngô, nó lại ăn, cậu bắt nó bế đi chơi, ôm ấp nó thoải mái. Sống với Tráng hơn 4 năm rồi, nên nó dạn người và thân thiết với cậu. Thế nhưng, bỗng dưng nó cứ tránh người, không muốn ai lại gần, kể cả Tráng.
Tráng A Tráng vẫn nhớ như in, sớm tinh mơ đầu tháng 6, Tráng bỗng nghe thấy tiếng hai con gà trống gáy vang ở trái nhà. Tưởng gà trống nhà ai lạc sang nhà mình, Tráng chạy ra ngó. Ai dè, khi mặt trời còn chưa ló dạng, thì chú gà trống và cô gà mái già đứng hiên ngang trên cây vươn cổ thi nhau gáy vang cả góc bản. Tráng hết sức kinh ngạc, khi thấy cô gà mái già cất tiếng gay vang rền, mạnh mẽ không khác gì gà trống.