Nhiều dân chơi gà chọi ở Việt Nam cho rằng, con gà chọi mới được chuyển nhượng ở Thái Lan có giá lên đến 600 triệu cũng không có gì lạ.
Việt Nam cũng có
Gần đây giới chơi gà chọi ở Thái Lan đang xôn xao vụ chuyển nhượng một con gà chọi 16 tháng tuổi với giá kỷ lục 1 triệu baht (khoảng gần 660 triệu đồng). Trước những thông tin này, người chơi gà ở Việt Nam cho rằng, đó là điều bình thường khi họ gặp được con gà chọi ưng ý mình.
Theo anh Nguyễn Hoài Nam (số 19, ngõ 561 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội), một người ham mê chơi gà chọi, hiện là ông chủ một trại gà chia sẻ, nhiều con gà ở trong nước cũng có giá lên đến nửa tỷ đồng.
”Có những người họ nuôi gà để bán. Đây cũng là một hướng để làm kinh tế vì có những con gà chọi có giá khoảng 200-300 triệu đồng, thậm chí có con gà chọi còn được định giá khoảng nửa tỷ, đắt bằng cả cái nhà, cái ôtô”, anh Nam tiết lộ.
Trong giới gà chọi ở Việt Nam vẫn thường chia sẻ với nhau về những ”chiến kê” hay nổi tiếng, có thể kể tên như Xám Thần, Xám Messi, Ô taxi… Những con gà này cũng đều có giá cao ngất ngưởng.
Anh Bùi Hữu Tín (32 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội), một người đam mê về gà chọi cho biết, những con gà nổi danh như trên đều có giá từ 300 – 500 triệu đồng. Chúng đã ăn giải nhiều kỳ với đòn lối hay, độc chân.
Khi được hỏi chất lượng gà chọi Thái Lan với gà chọi Việt Nam thì nơi nào hơn, anh Tín cho rằng điều này còn tùy thuộc vào từng dòng gà, cách chăm gà.
”Gà chọi ở Việt Nam chủ yếu là đá về đòn lối, ít chơi gà cựa, còn gà Thái Lan họ đá sát phạt hơn. Nhiều trận họ còn lắp cựa sắt cho gà giải quyết nhanh, và như vậy thì không còn thú vị khi xem đá gà”, anh Tín chia sẻ.
Điều quan trọng là…
Vốn trăn trở rất nhiều về phong trào nuôi gà ở Việt Nam, ông Bùi Hữu Khương (56 tuổi, Thuận Thành, Bắc Ninh) cho rằng, người chơi gà chọi ở Việt Nam rất nhiều, nhưng hiện nay phong trào chơi gà ở nước ta đang đi xuống.
Việt Nam có nhiều dòng gà có tiếng, không chỉ là trong nước mà thậm chí còn vang danh sang cả Campuchia, Thái Lan… Nhưng hiện nay những tay chơi gà thứ thiệt ngày một ít dần.
Nguyên nhân là do, hiện nay nhiều người mua gà về để làm kèo cá độ theo kiểu công nghiệp. Người tâm huyết họ chăm sóc gà từ tấm bé, rất cẩn thận. Thậm chí họ coi gà như máu thịt của mình, ăn ngủ cùng gà.
”Hiện giờ nhiều người chơi gà theo kiểu cá độ ăn thua nên làm mất đi thú vui vốn có của chọi gà truyền thống. Cũng vì điều này mà nhiều sới gà bị cấm hoạt động. Những người chơi đã không còn muốn nuôi gà và đem gà đi đá nữa”, ông Khương buồn rầu nói.
Đồng quan điểm, anh Vũ Xuân Tùng (38 tuổi, Giao Thủy, Nam Định) khẳng định, nếu làm giống như ở Thái Lan thì phong trào chơi gà của Việt Nam sẽ phát triển mạnh, thậm chí có thể trở thành công việc cho nhiều người.
”Trong khi ở Thái Lan, chọi gà còn được xem là một ngành kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận, thì tại Việt Nam, việc kinh doanh như thế này chưa được luật pháp chấp thuận.
Thái Lan họ có những sới gà lớn, người nào muốn cá độ có thể vào đó thoải mái đặt tiền. Sới gà của họ có tổ chức đàng hoàng nên không lo ôm gà chạy như ở nước mình.
Ở Việt Nam, mỗi khi mang gà đi đá lại sợ bị bắt phạt, bởi ở Việt Nam không có sới gà chính quy, mà toàn là sới gà tự phát, hoặc những đại gia mang gà đến đá với nhau. Những trận như vậy có thể lên đến vài chục hay thậm chí vài trăm triệu”, anh Tùng cho biết thêm.
Theo anh Tùng, nếu phong trào chọi gà ở Việt Nam phát triển mạnh, sới gà được hoạt động công khai như Thái Lan, thì việc những chú ”chiến kê” được ra giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng sẽ không phải là chuyện hiếm.